CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Tìm hiểu về các dạng bào chế và các loại insulin


              Insulin là một hormon do cơ thể sản sinh giúp đường (glucose) đi vào các tế bào. Trong bệnh đái tháo đường type 1, cơ thể sản sinh không đủ insulin dẫn đến đường không đi vào để nuôi tế bào được mà tích tụ trong máu gây tác hại. Còn trong bệnh đái tháo đường type 2, các tế bào đáp ứng kém với insulin và về lâu dài, tuyến tụy không sinh ra đủ insulin dẫn đến thiếu hụt và gây tăng đường huyết. Khi cơ thể thiếu hụt insulin, việc kiểm soát đường huyết trong mức bình thường trở nên khó khăn và người bệnh cần phải được bổ sung hormone này bằng các loại thuốc chứa insulin phù hợp

Thuốc chứa insulin được bào chế chủ yếu dưới dạng thuốc tiêm. Tại Mỹ có một dạng thuốc insulin hít qua đường mũi nhưng không phổ biến vì không cho thấy hiệu quả điều trị tốt.

Các thuốc tiêm insulin được phân loại chủ yếu trong qua thời gian khởi phát và thời gian duy trì tác dụng. Bao gồm:

1.Tác dụng nhanh:

· Insulin lispro (Humalog)

· Insulin aspart (NovoLog)

· Insulin glulisine (Apidra)

2.Tác dụng ngắn: insulin regular (Humulin R)

3.Tác dụng trung gian:

· Insulin NPH (Humulin N)

· Insulin lispro protamine

4.Tác dụng dài

· Insulin glargine (Lantus)

· Insulin detemir (Levemir)

· Insulin degludec (Tresiba)

Ngoài ra còn có các insulin trộn (như Novomix, Mixtard, Ryzoderg ...) là thuốc phối hợp giữa các loại insulin tác dụng khác nhau để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết khi đưa vào cơ thể.

Bác sĩ điều trị là người sẽ lựa chọn loại insulin nào phù hợp với người bệnh căn cứ trên tình trạng sức khỏe và mục tiêu kiểm soát đường huyết của người bệnh.

Thuốc Insulin glargine (Lantus) tác dụng dài

* Lưu ý khi dùng insulin

Biến chứng nghiêm trọng nhất khi dùng insulin là hạ đường huyết. Người bệnh cần lưu ý các triệu chứng của hạ đường huyết như vã mồ hôi, run tay chân, cảm thấy cồn cào, lo lắng hoặc tệ hơn là đi đứng khó khăn, yếu mệt, mờ mắt. Khi gặp phải các dấu hiệu này phải nhanh chóng ăn hoặc uống đường vào cơ thể thông qua các loại kẹo ngọt, nước trái cây, nước ngọt (không chọn loại ăn kiêng không đường), mật ong hoặc sirô ... Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc người bệnh bị ngất, bất tỉnh, cần phải đưa người bệnh đến cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng tránh hạ đường huyết do insulin, người bệnh cũng cần phải lưu ý các điểm sau:

· Luôn chắc chắn liều insulin tiêm vào cơ thể là chính xác.

· Luôn thay đổi và đảo vị trí chỗ tiêm, tránh tiêm cùng một chỗ nhiều lần để tránh kích ứng và tổn thương nơi tiêm.

· Kiểm tra và theo dõi đường huyết thường xuyên.

· Hút thuốc là và các hoạt động thể chất cũng ảnh hưởng đến hấp thu insulin.

Tin bài: Phòng khám quản lý, chăm sóc sức khoẻ cán bộ.