CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Phanh Môi, Phanh Lưỡi- Những Điều Cần Biết ?


 

1. Phanh môi, lưỡi là gì?

Phanh môi, phanh lưỡi lưỡi là những nếp gấp niêm mạc liên kết môi, má, lưỡi với niêm mạc miệng, lợi và màng xương ở dưới.

2. Chức năng của phanh môi, lưỡi

Chức năng của các phanh là để đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa môi, má, lưỡi với các tổ chức liên quan.

3. Phanh môi bám thấp

· Phanh môi là một dải dây chằng và niêm mạc chạy từ mặt trong điểm giữa của môi trên đến mặt ngoài của bờ lợi hàm trên và bám tận vào mặt ngoài của xương hàm trên

· Tình trạng phanh môi bám thấp là khi điểm cuối cùng của phanh môi bám lên đỉnh xương hàm trên giữa 2 răng cửa, hoặc phanh môi có thể bám sâu vào mặt trong của mào xương hàm trên.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề như:

· Khó khăn khi bú mẹ hoặc bú bình với trẻ sơ sinh

· Mất nhú lợi, tụt lợi do sự co kéo quá mức của phanh môi

· Khe thưa giữa 2 răng cửa trên

· Lệch lạc răng

4. Phanh lưỡi ngắn

Bình thường lưỡi có thể đưa ra phía trước và hai bên, đầu lưỡi có thể đưa lên vòm miệng. Tuy nhiên, khi lưỡi bị hạn chế vận động, đầu lưỡi không thể đưa lên vòm miệng thì được gọi là dính phanh lưỡi hay phanh lưỡi ngắn.

Dấu hiệu nhận biết

· Khó bú hoặc khi bú phát ra âm thanh ở trẻ sơ sinh

· Đầu lưỡi hình trái tim khi đưa lưỡi ra phía trước

· Phát âm không chuẩn

· Có thể bị xoay các răng cửa giữa hàm dưới

Khi nào cần cắt phanh lưỡi

Trẻ em được phát hiện dính phanh lưỡi nên được can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt để thuận lợi cho trẻ bú hoặc phát âm.

5. Phương pháp điều trị phanh môi, phanh lưỡi bám bất thường

Can thiệp phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để giúp môi, lưỡi cử động bình thường. Các phanh này có thể được cắt bằng lưỡi dao mổ hoặc phẫu thuật bằng tia laser, dao điện dưới tiêm tê hoặc gây mê tuỳ theo độ tuổi và sự hợp tác của bệnh nhân. Nói chung đây là phẫu thuật đơn giản, không nguy hiểm và hầu như không đau. Bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật.

6. Chăm sóc sau phẫu thuật

· Không nên sờ tay vào vị trí phẫu thuật vì có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng

· Nên ăn mềm và uống nhiều nước. Không ăn đồ ăn nóng, cay ngày đầu tiên sau phẫu thuật.

· Duy trì vệ sinh răng miệng, chỗ phẫu thuật vệ sinh nhẹ nhàng và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

· Tập vận động môi, lưỡi theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái phát.

Tin bài: khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái

- Địa chỉ: Tiền Phong - Giới Phiên - TP.Yên Bái - Tỉnh Yên Bái - Điện thoại: 02166.252.007
- Email: bvdktinhyenbai@gmail.com