CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Hệ thống chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi do Zika


Hệ thống chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi do Zika

Đây là nội dung được thảo luận tại cuộc họp đã diễn ra cuộc họp về công tác ứng phó với vi rút Zika của Văn phòng EOC Việt Nam tổ chức sáng ngày 03/11/2016 do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.

 Cuộc họp còn có sự tham dự của các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế, tổ chức Y tế thế giới và trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi họp, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn diễn biến phức tạp. Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia; các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn. WHO cảnh báo dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Tại Việt Nam, Zika đã trở thành bệnh lưu hành vì tính đến ngày 3/11/2016, đã ghi nhận 25 trường hợp nhiễm Zika. Số lượng nhiễm Zika tại Tp.HCM tăng lên trong thời gian qua do ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tại đây. Trong quá trình giám sát, các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Trước bối cảnh đó, buổi họp Văn phòng EOC sáng nay nhằm mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.

Vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika. Vừa qua đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ mới nhất ở Đắk Lắk, nên trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới. PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Việt Nam có hệ thống chẩn đoán trước sinh yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não,... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi là quyền lợi của mỗi người.”

PGS.TS. Trần Danh Cường cũng chia sẻ rằng: “Việc khám thai không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám”. Vì thế, trong tình hình dịch Zika đang lưu hành tại nước ta, phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ mang thai cũng nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ. Tuy nhiên, tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1-10%.

Tại buổi họp, các lãnh đạo, chuyên gia đến từ  các Vụ, Cục, Viện, WHO, US CDC đều đi đến thống nhất triển khai, thực hiện các kế hoạch ứng phó dịch bệnh Zika đang lưu hành tại Việt Nam. Bộ Y tế dự đoán trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thể ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm Zika và trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ.

Kết luận tại buổi làm việc GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các Vụ, Cục, Viện, và các đơn vị liên quan cần tập trung quyết liệt cho công tác dự phòng phòng chống vi rút Zika, cụ thể với các nội dung sau:

  • Thứ nhất, về công tác giám sát, xác định sẽ tăng ca mắc zika, mắc dị tật đầu nhỏ

Mở rộng giám sát và nâng cao hiệu quả trong giám sát. Việc thu thập mẫu trong một thời gian sau đó tiến hành xét nghiệm cũng cần được chú trọng hơn. Thống nhất các vấn đề mang tính quy chuẩn về dịch tễ, phân tích, đánh giá, báo cáo nhằm giúp hệ thống cập nhật thông tin và chia sẻ thông tin hiệu quả hơn. Các địa phương trên cả nước cần xác định phòng chống Zika và sốt xuất huyết là nhiệm vụ đồng hành với nhau

  • Thứ hai, về công tác dự phòng, cần đặt ưu tiên dự phòng các trường hợp mắc mới, dự phòng ca đầu nhỏ lên hàng đầu.

o    Hàng tuần, Giám đốc Sở Y tế sẽ báo cáo tình hình hoạt động triển khai trên địa bàn để phòng chống dịch, ví dụ như: tập trung diệt lăng quăng bọ gậy, phun hóa chất, phòng chống muỗi đốt,… Cần triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp dự phòng và trong trường hợp cần thiết, có thể huy động mọi lực lượng tại địa phương cùng tham gia mạnh mẽ.

o    Riêng với việc dự phòng dị tật đầu nhỏ, ngành y tế sẽ thay đổi cách tiếp cận toàn diện hơn, đó là dự phòng dị tật đầu nhỏ trong bối cảnh phòng chống Zika. Theo đó, toàn bộ hệ thống sản khoa, nhi khoa sẽ tiếp tục coi trọng hơn nữa về quy trình sàng lọc trước sinh, quản lý thai nghén, tập trung vào 6 tháng đầu thai kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để thực hiện xét nghiệm Zika, chứ không xét nghiệm Zika rồi mới sàng lọc như trước. Phương án này có ưu điểm lớn là giúp không bỏ sót trường hợp dị tật đầu nhỏ nào do bất cứ nguyên nhân là vi rút Zika hay các nguyên nhân khác.

  • Thứ 3, truyền thông cần tăng cường mạnh mẽ trên toàn quốc với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Trung tâm Truyền thông giáo dục và sức khỏe Trung ương Bộ Y tế sản xuất nội dung thông tin, tuyên truyền được cập nhật phù hợp, trong đó có nội dung dành riêng cho phụ nữ mang thai và sẽ chia sẻ, phát sóng trên toàn quốc.
  • Thứ 4, ngành y tế sẽ thay đổi chiến lược giám sát, các tỉnh có lưu hành Zika, giám sát chú trọng đến sức khỏe người dân, các tỉnh chưa có trường hợp nhiễm bệnh thì tiếp tục giám sát véc tơ muỗi, kết hợp với giám sát hệ thống sản khoa, nhi khoa.
  • Thứ 5, về công tác điều trị, cần có hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chữa bệnh, có sự phối hợp giữa điều trị và dự phòng, song song với các bệnh lý liên quan đến Zika.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

 

-          Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.  

-          Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ/bạn tình đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

-          Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

 -          Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng):

  • Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
  • Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
  • Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Danh sách các địa phương có dịch bệnh do vi rút Zika được thường xuyên cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov.vn/

Biểu hiện để nhận biết Zika:

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. ​

 

Điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115

"Nguồn: moh.gov.vn"