CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Tìm hiểu về nhóm máu quan trọng thế nào?


 A. Vì sao cần biết nhóm máu của chính mình?

Với các loại hệ thống nhóm máu hiện nay, việc biết rõ mình thuộc nhóm máu nào rất quan trọng trong quá trình truyền máu khi cần thiết. Điều này có nghĩa là đảm bảo rằng máu của người hiến tương thích với máu của người nhận, để giảm thiểu các phản ứng trong khi truyền máu và tránh mọi hậu quả không mong muốn.

Nếu nhóm máu truyền không tương thích với nhóm máu được nhậnnhận, nó có thể gây ra đông máu tĩnh mạch dẫn tới gây tử vong.

Cơ thể của người nhậncó thể bắt đầu tạo ra các kháng thể tấn công các kháng nguyên trên các tế bào máu trong máu được truyền vào, gây ra phản ứng và thải ghép.

Với sự phát triển của y học hiện nay, trước khi thực hiện truyền máu. Nhóm máu của người nhận sẽ được kiểm tra và đối chiếu chéo với máu của người cho, giúp giảm thiểu tối đanguy cơ phản ứng truyền máu.

Biết nhóm máu Rh cũng rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Nếu một phụ nữ âm tính với Rh và mang thai một đứa trẻ có Rh dương tính, nó có thể dẫn đến một tình trạng gọi là không tương thích Rh. Nếu máu của em bé Rh dương hòa trộn với mẹ, nó có thể kích hoạt việc sản xuất kháng thể chống lại máu của em bé được gọi là nhạy cảm với Rh.

Tại sao phải nắm rõ nhóm máu của mình?

B. Hệ nhóm máu ABO, Rh:

1.Hệ nhóm máu ABO:

Mỗi một nhóm máu mang những đặc trưng riêng biệt, trong thực hành truyền máu, ngoài những tiêu chuẩn xét nghiệm nhằm phát hiện, ngăn ngừa các virus lây lan qua đường truyền máu thì chúng ta còn cần phải thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản về an toàn miễn dịch đó là không để cho các kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau.

Theo Hội Truyền máu Quốc Tế (ISBT- International Society of Blood Transfusion), cho đến năm 2014 có 34 hệ nhóm máu hồng cầu và 339 kháng nguyên nhóm máu khác nhau đã được công nhận.

Nhóm máu hệ ABO là một trong hai hệ nhóm máu quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu. Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc.

Nhóm máu A: Trên bề mặt của hồng cầu có kháng nguyên A. Trong huyết tương có kháng thể kháng B (Anti-B antibodies).

Nhóm máu B: Trên bề mặt của hồng cầu có kháng nguyên B. Trong huyết tương có kháng thể kháng A (Anti-A antibodies).

Nhóm máu AB: Trên bề mặt của hồng cầu có cả 2 loại kháng nguyên A và kháng nguyên B. Và trong huyết tương không có kháng thể.

Nhóm máu O: Trên bề mặt của hồng cầu không có kháng nguyên. Trong huyết tương có kháng thể kháng A và kháng thể kháng B.

2. Hệ nhóm máu Rh:

Đây là hệ nhóm máu quan trọng nhất sau hệ nhóm máu ABO.

Ở Việt nam, có đến 99,96% thuộc nhóm máu Rh D(+) (tức là O+ hoặc A+ hoặc B+ hoặc AB+). Nhưng chỉ có khoảng0,04 - 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh D(-) (tức là O- hoặc A- hoặc B- hoặc AB-).

Theo qui định của Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ < 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm.

Người có nhóm máu Rh(-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh (+),nhưng chỉ được nhận máu từ người có cùng nhóm máu và có Rh(- ).

3. Xét nghiệm nhóm máu ABO được chỉ định khi:

- Khi người bệnh cần được truyền máu (thiếu máu cấp/mạn tính, trước phẫu thuật...) nhằm lựa chọn đơn vị máu truyền phù hợp.

- Người muốn đăng ký hiến máu, nội tạng, mô và tủy xương để xác định và đánh giá độ tương thích của người cho và người nhận.

- Phục vụ việc xác định huyết thống.

- Phụ nữ có thai để kiểm soát các nguy cơ có thể xảy đến do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.

- Phục vụ một số hoạt động công tác; một số chuyên ngành có tính chất đặc thù và đặc biệt.

- Người khỏe mạnh có nhu cầu biết nhóm máu của mình.

Có 4 nhóm máu cơ bản là A, B, AB và O

4. Ứng dụng của máu hệ ABO, Rh:

Hệ thống nhóm máu ABO và Rh có vai trò và ứng dụng quan trọng trong thực hành truyền máu và thực hành lâm sàng trong y khoa. Việc xác định hệ thống nhóm máu ABO và Rh giúp giảm thiểu tình trạng bất đồng miễn dịch ở người nhận máu và các biến thể y khoa liên quan đến hai hệ thống máu này. Để đảm bảo an toàn khi truyền các phần máu thành phần (như hồng cầu,Bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương…)

5. Nguyên tắc truyền máu

Nguyên tắc truyền máu là không được để kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau trong cơ thể. Do vậy, việc xác định nhóm máu chính xác trước khi truyền là rất quan trọng.

Nhóm máu O được gọi là nhóm máu “cho phổ thông” tức là có thể cho được tất cả các nhóm nhưng chỉ nhận được máu cùng nhóm O.

Nhóm máu AB là nhóm máu “nhận phổ thông” tức là nhận được tất cả các nhóm nhưng chỉ cho được người cùng nhóm máu AB.

Người có nhóm máu A có thể nhậnnhóm máu A hoặc O.

Người có nhóm máu B có thể nhận máu nhóm B hoặc O.

Tuy nhiên trong truyền máu hiện đại sử dụng các chế phẩm của máu với tiêu chí Người thiếu máu “Thiếu gì - Bổ sung đó”. Hạn chế tối đa truyền máu toàn phần và sử dụng chế phẩm Khối hồng cầu khác nhóm. Chỉ áp dụng truyền máu khác nhóm theo nguyên tắc cổ điển trong tình huống cấp cứu và có sự cam kết đồng thuận của gia đình và sự cân nhắc lựa chọn bác sỹ điều trị.

6. Kỹ thuật định nhóm máu hệ ABO, Rh:

- Nguyên lý: Nhóm máu được xác định nhờ sự có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh. Hai thành phần này khi gặp nhau sẽ xảy ra phản ứng ngưng kết đặc hiệu.

+ Sử dụng Huyết thanh mẫu để hát hiện kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu

+ Sử dụng hồng cầu mẫu để phát hiện kháng thể có trong huyết thanh

Khi 2 phương pháp này đồng nhất kết quả mới kết luận nhóm máu.

- Các phương pháp:

+ Phương pháp thủ công:

Có hai phương pháp thủ công gồm: Định nhóm máu trên phiến và định nhóm máu trong ống nghiệm.

Phương pháp tự động:

Là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho kết quả ngưng kết rõ ràng, có thể lưu kết quả trên máy, giúp việc tra cứu kết quả nhanh.

KẾT LUẬN:

Đối cá nhân: Mỗi người đều cần biết mình thuộc nhóm máu nào. Bởi nó sẽ giúp ích cho chúng ta khi trong các trường hợp điều trị, đặc biệt các tình huống khẩn cấp mà cần phải sử dụng đến Máu - Chế phẩm máu… hay các tình huống cần được ghép tạng, bác sĩ cần biết bạn thuộc nhóm máu nào.

Đối với cộng đồng: Một trong những lý do quý giá nhất để biết về nhóm máu của mỗi người là giúp đỡ người khác. Bởi trong cuộc sống có những tình huống bất ngờ không mong muốn xảy ra; khi ngân hàng dự trữ máu khan hiếm nhóm máu mà người bệnh đang cần. Thì những người có cùng nhóm máu với người bệnh có thể giúp đỡ truyền máu kịp thời.

 

Tin bài: BS CKI Triệu Phi Yến - Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái

Địa chỉ: Tiền Phong - Giới Phiên - TP.Yên Bái - Tỉnh Yên Bái

Email: bvdktinhyenbai@gmail.com

Website: http://benhvientinhyenbai.vn

Google Map: https://maps.app.goo.gl/VXszL6UaYNYDJmUn6