CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Hiểu rõ về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Bệnh COPD)


 1. Bệnh phổi tắc nghẽn là gì

Bệnh phổi tắc nghẽn là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Đặc trưng bởi sự giới hạn luồng khí thở do đáp ứng viêm do hít các chất khí độc hại, hậu quả của bất thường của đường thở phơi nhiễm với khí độc hại như: khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Khi các triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho khạc đàm là bình thường. Vì thế, nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng dần, xuất hiện khó thở từ gắng sức ban đầu và sau đó khó thở liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi trên giường.

 

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

- Nguyên nhân chính của BPTNMT là hút thuốc lá, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Hít phải khói thuốc lá lâu dài gây nguy cơ cao khoảng 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Di truyền (thiếu men Alpha1- Antitrypsin gây tổn thương phổi. Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động).

- Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà: khói bếp, khói, chất đốt bụi nghề nghiệp, hơi, khí độc…

3. Các triệu chứng của BPTNMT

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gây ra những tác động trực tiếp tại hệ thống hố hấp với các dấu hiệu:

- Ho, khạc đờm kéo dài không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản…là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng.

- Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.

- Nặng ngực.

- Tăng tiết đàm, nhớt hơn bình thường.

Ngoài ra nếu bệnh ở mức độ nặng người bệnh có thể có cảm giác ăn không ngon, giảm cân, sốt...Những triệu chứng này người bệnh thường chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời.

4. Phương pháp sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bạn trả lời các câu hỏi sau để tầm soát nhanh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

Câu 1: Ông/bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày không?

Câu 2: Ông/bà có khạc đàm ở hầu hết các ngày không?

Câu 3: Ông/bà có bị khó thở hơn những người cùng tuổi?

Câu 4: Ông/bà có trên 40 tuổi?

Câu 5: Ông/bà có đang hút thuốc lá hay đã từng hút thuốc không?

Nếu có 3 câu trả lời là “có” thì bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và tư vấn, nhằm phát hiện sớm và chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

5. Diễn tiến và các biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không điều trị

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nặng nề (tràn khí màng phổi, suy tim, suy hô hấp, trầm cảm, giảm khả năng vận động, tàn phế...), ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh và thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

- Tình trạng khó thở trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tăng dần theo thời gian, bệnh nhân sẽ bị hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở.

- Ngoài ra, nếu không điều trị, bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ có những đợt bệnh trở nặng gọi là đợt cấp, làm cho bệnh nhân khó thở nhiều hơn, có thể dẫn đến nhập viện và tử vong.

6. Bệnh phối tắc nghẽn mạn tính có thể điều trị khỏi hoàn toàn? Bạn nên làm gì nếu mắc BPTNMT?

- Không nên quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất mắc căn bệnh này. Hiện nay, Y học chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn BPTNMT.

- Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bạn nên tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế để có thể kiểm soát tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần phải nhập viện, cai thuốc lá, thuốc lào, tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động), giữ môi trường sống trong sạch, vật lý trị liệu, tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bạn cần đến tái khám định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt cấp xảy ra, trao đổi với bác sĩ khi có bất thường.

Tin bài: Khoa Nội AB - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.