CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Dự án “An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng" tại Yên Bái: Bảo đảm kỹ năng phòng chống dịch chủ động và tích cực


 

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định phê duyệt danh mục Dự án "An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng" (Dự án) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ và Yên Bái là 1 trong 36 tỉnh được tham gia Dự án. 

Cán bộ y tế huyện Trạm Tấu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
 
Để làm rõ hơn nội dung đã thực hiện đối với Dự án, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Ban Quản lý Dự án về những nội dung mà Dự án sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 

P.VXin bà cho biết mục tiêu của Dự án, với Yên Bái, Dự án này có ý nghĩa như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Trước hết xin nói về mục tiêu chung của Dự án cho toàn quốc đó là: bảo đảm an ninh sức khỏe thông qua tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi vào nước ta và các nước trong khu vực; giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ mắc và hạn chế sự lây lan các bệnh dịch lưu hành giữa các nước trong khu vực, góp phần ổn định kinh tế, xã hội và nâng cao sức khỏe người dân.
 
Còn đối với Yên Bái, sự hỗ trợ của Dự án tới hướng đến các mục tiêu: tăng cường năng lực giám sát và kiểm soát các bệnh lây nhiễm cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; bảo đảm kỹ năng đáp ứng phòng chống dịch một cách chủ động và tích cực.
 
Đặc biệt, Dự án sẽ đầu tư hệ thống trang thiết bị cho xét nghiệm phòng chống dịch, bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cho 7 trung tâm y tế huyện là: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Dự án này được triển khai có ý nghĩa rất lớn với Yên Bái. Bởi trong bối cảnh các nguồn đầu tư đang rất hạn hẹp, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế dự phòng rất khó khăn. Trong 7 huyện vùng cao của tỉnh có 81 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Trung tâm y tế huyện vừa mới sáp nhập, thực hiện hai chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng.
 
Mặt khác, trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch bệnh còn thiếu, cán bộ làm về y tế dự phòng còn yếu về năng lực, kỹ năng chuyên môn... Do đó, Dự án triển khai tại các huyện này sẽ giúp người dân, đặc biệt người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ phòng bệnh tốt hơn, hiểu biết được cải thiện, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân. 

P.VVới mục tiêu đề ra như vậy, Dự án sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Dự án tại tỉnh sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề sau: 

Thứ nhất là tăng cường năng lực giám sát, đáp ứng phòng chống dịch bệnh và thảm họa cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia phòng chống dịch tại tỉnh.
 
Hai là, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giám sát, đáp ứng phòng chống dịch bệnh và thảm họa cho các tuyến, tập trung vào tuyến huyện. Kèm theo là nâng cao năng lực sử dụng thành thạo trang thiết bị và phần mềm chuyên môn cho cán bộ y tế.
 
Ba là, đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm đảm bảo công tác phát hiện sớm dịch, đáp ứng kịp thời và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện nhằm phòng chống lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

P.VXin bà cho biết dự kiến kết quả đạt được sau khi thực hiện Dự án?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm (2016 - 2021). Dự án được thực hiện với mong muốn không để bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về tính mạng (trên 100 trường hợp tử vong/ vụ dịch) hoặc làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế (giảm 0,5% GDP trở lên) của tỉnh. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, giảm tối thiểu 15% tỷ lệ mắc trung bình giai đoạn 2011 - 2015 của một số bệnh lưu hành phổ biến như: tay -  chân - miệng, sởi, dại, tiêu chảy...; 75% ca bệnh thuộc các bệnh phải báo cáo được báo cáo về Cục Y tế Dự phòng trong 24 giờ.
 
4 trong 7 huyện thụ hưởng Dự án có bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn quốc gia về phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. 6 trong tổng số 7 huyện thụ hưởng Dự án xây dựng các quy trình chuẩn (SOPs) cho việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm; có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn về xét nghiệm và an toàn sinh học; thực hiện gửi báo cáo điện tử về tình hình dịch bệnh phân tách theo giới.
 
Tối thiểu 2 cán bộ (có 1 nữ) tại mỗi phòng xét nghiệm trong phạm vi Dự án đạt tiêu chuẩn về năng lực triển khai an toàn sinh học. 100% huyện tham gia Dự án được kiểm chuẩn về chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học. 100% bệnh viện công, đơn vị y tế và cơ sở y tế tư nhân được giám sát và báo cáo trực tuyến ca bệnh truyền nhiễm. Tổ chức điều tra, xác minh 80% ổ dịch được báo cáo trong vòng 24 giờ…

P.VVậy, Ban Quản lý Dự án tỉnh Yên Bái sẽ tập trung làm những gì để Dự án phát huy hiệu quả?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Để Dự án phát huy hiệu quả bền vững, Ban Quản lý Dự án tỉnh sẽ phân công nhiệm vụ cho các cán bộ Ban Quản lý Dự án tỉnh và cán bộ tại các đơn vị liên quan tại tuyến tỉnh, huyện làm đầu mối xây dựng và thực hiện kế hoạch theo quy định.
 
Lấy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối rà soát, đôn đốc, triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án tại địa phương bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế huyện thuộc dự án rà soát thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực tiếp nhận, kế hoạch sử dụng trang thiết bị tại 7 huyện Dự án.
 
Đặc biệt, thiết lập ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo các cán bộ này phát huy tốt trang thiết bị cũng như năng lực được bồi dưỡng vào công tác phòng chống dịch, bệnh trên địa bàn.

P.V: Xin cảm ơn bà!    

(Theo BYBĐT- 7/12/2017)