CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Tư vấn, xét nghiệm HIV - dịch vụ miễn phí tại Yên Bái


 

Quy trình tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện

Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện nhằm cung cấp thông tin cần thiết về HIV/AIDS, xét nghiệm HIV và lợi ích của xét nghiệm; giúp người được tư vấn biết cách phòng bệnh cho bản thân; hỗ trợ xã hội và y tế đối với người bị nhiễm, giảm phân biệt đối xử và kỳ thị đối với người nhiễm và ngăn chặn lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.

 

Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật- người bạn

đồng hành, tin tưởng của mọi khách hàng.

 

Theo thống kê hàng năm, số khách hàng quan tâm và đến với Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ngày một tăng, trong đó số ca nhiễm HIV được phát hiện chiếm tỷ từ 15 -18% tổng số khách hàng. Sau khi khách hàng được khẳng định đã nhiễm HIV, Phòng sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu và chuyển gửi đến các cơ sở điều trị HIV theo nguyện vọng của khách hàng.

Qua khảo sát của phần đông số khách hàng khi nghi ngờ nhiễm HIV họ thường có tâm lý lo sợ, ngại ngùng không dám đến các phòng tư vấn vì sợ gặp người quen, sợ bị nghi ngờ nhiễm HIV. Khi nhiễm HIV họ sợ bị kỳ thị, khinh bỉ... Hiểu được tâm lý đó, Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện (VCT) Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu nhằm hỗ trợ, tư vấn những vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Tại đây khách hàng có thể trò chuyện cùng tư vấn viên, cán bộ xét nghiệm thân thiện, nhiều kinh nghiệm, có chứng nhận đào tạo chuyên môn, hiểu tâm lý của người đang lo lắng về nguy cơ nhiễm HIV.

+ Hình thức tư vấn: Trao đổi trực tiếp, tư vấn cá nhân, tư vấn theo nhóm 

+ Đối  tượng: Tất cả các khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về HIV/AIDS

+ Thời gian tư vấn và làm xét nghiệm: từ 40 - 50 phút/ khách hàng, từ thứ 2- thứ 6 (trừ ngày lễ, Tết).

+ Loại hình dịch vụ: Tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí

+ Phương châm hoạt động: Thân thiện, bí mật, nhanh chóng, chính xác và miễn phí.

Xét nghiệm HIV như thế nào?

Phòng xét nghiệm khẳng định HIV Trung tâm kiểm soát bệnh tật được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, đảm bảo nghiêm ngặt về quy trình xét nghiệm. Hiện nay, phòng đang triển khai thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV, lấy mẫu đo tải lượng vi rút HIV (dành cho người nhiễm HIV đang điều trị ARV).

Bản chất của xét nghiệm là tìm kháng thể kháng HIV giúp gián tiếp chẩn đoán cơ thể người đó đã nhiễm HIV, nên đòi hỏi thời gian “chờ” để cơ thể sản sinh kháng thể đủ để xét nghiệm phát hiện được. Đây là khoảng thời gian được gọi là “thời kỳ cửa sổ”, được tính khoảng 3 tháng (một số rất ít trường hợp có thể dài hơn, lên đến 6 tháng).

Vì vậy:

+ Không thể nhìn bề ngoài một người có thể biết họ bị nhiễm HIV hay không.

+ Không thể sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để điều trị bệnh HIV.

+ Không thể tìm đến thầy cúng, thầy mo để giải bùa hay cúng lễ nhằm điều trị bệnh HIV.

Một điểm cần lưu ý, do tính chất “âm thầm” hoạt động của loại vi rút nguy hiểm này, nên phòng VTC luôn khuyến cáo khách hàng đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, tuyệt đối không chờ đủ thời gian “cửa sổ”.

Khi có hành vi nguy cơ trước đây, thậm chí vừa mới phát sinh hành vi nguy cơ trong thời gian gần nhất, người đó vẫn nên đến làm xét nghiệm kiểm tra. Hoặc nếu nhận thấy bất thường trên cơ thể và nghi ngờ liên quan tới HIV thì việc xét nghiệm vừa là cơ hội để tư vấn viên cung cấp thêm thông tin về dự phòng, vừa là cơ hội để khách hàng được theo dõi, lưu ý cho những lần xét nghiệm tiếp theo cũng như có thể phát hiện nhiễm HIV sớm nhất có thể.

Khi được tư vấn HIV, khách hàng được hiểu thêm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tại đây khách hàng sẽ được giới thiệu, chuyển gửi tới các dịch vụ y tế, chuyên khoa liên quan để tiếp tục được tư vấn, điều trị.

"Tư vấn, xét nghiệm HIV - chưa bao giờ đơn giản đến thế!"

Hãy đến với Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện- Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnhYên Bái.

Điện thoại: 02163.814.776

Địa chỉ: Số 496 - đường Hòa Bình, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.

Vũ Đức Cường - 30/11/2017

(Khoa PC HIV/AIDS )