CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
        ► Tìm kiếm
 

Bệnh Đái Tháo Đường là gì ???


          Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose máu do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Phân loại đái tháo đường gồm:

· Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).

· Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).

· Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó).

Ngoài ra, đái tháo đường do các nguyên nhân khác, như: Đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô.v.v.v.

Triệu chứng và các biến chứng của bệnh ĐTĐ?

Dù là ĐTĐ typ 1 hay typ 2 các bệnh nhân đều có các triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân. Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi ... Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.

Các biến chứng của bệnh ĐTĐ thường xảy ra là:

* Biến chứng mạch máu: Tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây vữa xơ động mạch. Tổn thương mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử. Tổn thương mạch máu nhỏ gây ra rối loạn chức năng một số cơ quan như thận, tiết niệu, võng mạc mắt, nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến suy thận, mù lòa…

* Biến chứng não: Tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não.

* Biến chứng hô hấp: Dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.

* Biến chứng tiêu hoá: Hay bị viêm quanh răng, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.

* Biến chứng thận, tiết niệu: Rối loạn chức năng thận và bàng quang, mà điển hình là suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.

* Biến chứng thần kinh: Có cảm giác đau, rát bỏng, có kiến bò ở các đầu chi (đau tăng về đêm, đi lại thì đỡ đau); teo cơ ...

* Biến chứng ở mắt: Tổn thương các mạch máu võng mạc mắt làm suy giảm thị lực. Đây là một biểu hiện rõ nhất hay gặp nhất ở bệnh nhân bị ĐTĐ.

* Biến chứng ở da: Ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng; xuất hiện các u màu vàng gây ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, nẫm da, viêm mủ da.

1. Chẩn đoán đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

a) Glucose huyết tương lúc đói: ≥ 7 mmol/L. Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ), hoặc:

b) Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g ≥ 11,1mmol/L).

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày.

c) HbA1c ≥ 6,5%. Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

d) Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥11,1 mmol/L.

Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 7 mmol/L. Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán ĐTĐ.

2. Chẩn đoán tiền đái tháo đường

Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

– Rối loạn glucose huyết đói: Glucose huyết tương lúc đói từ 5,6mmol/L đến 6,9 mmol/L,hoặc

– Rối loạn dung nạp glucose: Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 7.8 mmol/L đến 11 mmol/L, hoặc

– HbA1c từ 5,7% đến 6,4%.

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường

Tin bài: Khoa Nội AB - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.