Ý nghĩa của xét nghiệm cấy máu
Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh lý nhiễm trùng thường gặp trong lâm sàng, nhiễm khuẩn huyết có nguyên nhân bắt nguồn từ sự xâm nhập của các vi sinh vật vào máu của người bệnh (bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm…), biểu hiện bằng các triệu chứng toàn thân, có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng với tỷ lệ tử vong rất cao. Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết là: sốt, rét run, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở và ý thức. Đặc biệt khi vi khuẩn giải phóng các loại độc tố vào máu sẽ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được điều trị tích cực và kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề về sức khoẻ và tinh thần.
Nguyên nhân của nhiễm khuẩn huyết phần lớn do các vi khuẩn Gram âm gây ra, chiếm tới 60-70%. Tụ cầu, phế cầu, liên cầu và các vi khuẩn Gram dương khác ít gặp hơn, chiếm 20-40%. Trường hợp nhiễm trùng cơ hội do nấm và Mycobacterium chiếm tỉ lệ thấp nhất. Để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết cần phân lập được vi sinh vật từ máu của người bệnh. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, cấy máu là chỉ định thường gặp ở hầu hết các khoa, được các bác sỹ chỉ định với những bệnh nhân có dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết; tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết và mức độ kháng kháng sinh của những chủng vi khuẩn gây bệnh phân lập được.
Mục đích của xét nghiệm cấy máu xác định nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết là:
- Tìm ra loại vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng máu, từ đó có thể tìm ra ổ nhiễm trùng tiên phát : viêm phổi, viêm xương, viêm màng não, viêm tiết niệu,... và giúp bác sĩ điều trị theo kháng sinh đồ một cách hiệu quả nhất.
- Xác định nguyên nhân gây tình trạng sốt không rõ nguyên nhân ở những bệnh nhân nặng.
- Tìm ra loại kháng sinh đặc hiệu với chủng vi khuẩn.
- Theo dõi tiến triển của nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm nội tâm mạc trong quá trình điều trị.
Nhiễm trùng huyết là tình trạng nghiêm trọng vì máu có thể lây lan vi khuẩn đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, thường xảy ra cùng với các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác gây ảnh hưởng đến phổi, thận, ruột, hoặc van tim. Lúc này, cấy máu trong nhiễm khuẩn huyết giúp phát hiện ổ vi khuẩn và có phương án điều trị phù hợp.
Ý nghĩa kết quả cấy máu trong nhiễm khuẩn huyết
Nếu hai hoặc nhiều mẫu cấy máu của người bệnh dương tính với cùng một loại vi khuẩn hoặc nấm thì loại nấm hay vi khuẩn này chính là loại vi sinh vật gây ra nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ dựa vào định danh của vi sinh vật để đưa ra loại kháng sinh phù hợp trong điều trị.
Nếu chỉ có 1 mẫu máu dương tính và những mẫu máu còn lại âm tính, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng huyết. Nhưng cũng có thể mẫu máu của người bệnh bị nhiễm vi khuẩn trên da của họ trong quá trình lấy máu. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm bổ sung để chắc chắn chẩn đoán.
Nếu tất cả các xét nghiệm cấy máu trong nhiễm khuẩn huyết đều âm tính, thì có thể bạn không bị nhiễm trùng máu. Nếu các triệu chứng nhiễm trùng lâm sàng của người bệnh vẫn tồn tại, bác sĩ sẽ xem xét lại và bổ sung thêm các chẩn đoán và xét nghiệm hỗ trợ để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Một điều lưu ý quan trọng là cấy máu trong nhiễm khuẩn huyết không thể phát hiện nhiễm virus mà chỉ phát hiện được nấm hoặc vi khuẩn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm virus, họ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm thích hợp khác.
Như vậy, tùy thuộc vào loại vi khuẩn, nấm được phát hiện trong quá trình cấy máu, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm độ nhạy bổ sung. Thử nghiệm này xác định các loại thuốc cụ thể có hiệu quả chống lại vi khuẩn, nấm. Trong xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm độ nhạy được thực hiện ngay sau khi xét nghiệm cấy máu trong nhiễm khuẩn huyết có kết quả dương tính.
Tin bài: Khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Tin khác: